HĐND các tỉnh, thành phố: Chủ động, kịp thời giải quyết những vấn đề đột xuất phát sinh

Tran Huy
Thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2023 cho thấy, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn; kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc triển khai thực hiện tốt các chủ trương mới của Trung ương.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024. (Ảnh: DUY LINH)
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024. (Ảnh: DUY LINH)

Phát huy hiệu quả chức năng giám sát với nhiều hình thức khác nhau

Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 tại Hội nghị toàn quốc sáng 25/3, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và của từng địa phương; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển; thực hiện đột phá chiến lược, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông, giải phóng các nguồn lực và tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

HĐND các tỉnh, thành phố: Chủ động, kịp thời giải quyết những vấn đề đột xuất phát sinh ảnh 1

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

“Thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2023 đã khẳng định Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã luôn chủ động thực thi chương trình, kế hoạch nhiệm vụ toàn khóa trên địa bàn, bên cạnh đó luôn kịp thời giải quyết các nội dung phát sinh hoặc những công việc đột xuất trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc triển khai thực hiện tốt các chủ trương mới của Trung ương”, bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Trên cơ sở ý kiến kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và căn cứ vào nghị quyết của cấp ủy địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa chương trình công tác năm 2023 của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố với nhiều điểm mới, chất lượng, hiệu quả, các chủ trương lớn của Đảng.

Năm 2023, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cả nước đã tổ chức 357 kỳ họp, trong đó có 130 kỳ họp thường lệ, 154 kỳ họp chuyên đề và 73 kỳ họp đột xuất đã kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc triển khai thực hiện các chủ trương mới của trung ương, bảo đảm kịp thời, thực chất và hiệu quả cao.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban để rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất theo kế hoạch gắn với nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, thành phố.

Hầu hết các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc điều hòa, phân công, phối hợp thực hiện các chương trình giám sát chuyên đề, phù hợp với thực tiễn, định hướng chỉ đạo hoạt động giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; chỉ đạo phát huy hiệu quả chức năng giám sát, với nhiều hình thức được thực hiện.

Chẳng hạn như: chất vấn, giám sát chuyên đề, thành lập đoàn giám sát, giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân; tăng cường công tác khảo sát thực địa nhằm kiểm chứng tính xác thực; đánh giá toàn diện, đa chiều, nhận xét khách quan, cụ thể, rõ nội dung, trách nhiệm trong các Thông báo kết luận, bảo đảm về căn cứ pháp luật, đầy đủ về cơ sở thực tế, thẳng thắn, trách nhiệm và không né tránh những vấn đề còn tồn tại, hạn chế.

HĐND các tỉnh, thành phố: Chủ động, kịp thời giải quyết những vấn đề đột xuất phát sinh ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Hoạt động tái giám sát của các Ban Hội đồng nhân dân, giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, theo dõi thực hiện các kết luận sau giám sát được tăng cường; tiếp tục phát huy sức mạnh của truyền thông để tham gia vào các hoạt động giám sát, đã góp phần giải quyết hiệu quả những tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau giám sát, làm chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương; thường xuyên rà soát, đánh giá việc triển khai các kiến nghị sau giám sát, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình tổ chức, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Công tác chuẩn bị kỳ họp với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, linh hoạt, đồng hành, trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, nghiêm túc, hiệu quả, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật.

Việc thẩm tra các dự thảo Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tính khách quan, đa chiều, sâu sát (có địa phương đã phân công 2 đến 3 Ban cùng thẩm tra một văn bản); việc kiểm soát chất lượng Nghị quyết, bảo đảm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của mỗi địa phương. Do đó, các văn bản trình Hội đồng nhân dân ngày càng được nâng lên về chất lượng.

Công tác tiếp công dân được tăng cường với tinh thần “gần dân, hiểu dân, vì nhân dân”

Một số tỉnh, thành phố đã tổ chức sơ kết công tác giữa nhiệm kỳ, sơ kết thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị và triển khai thí điểm các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội… kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, của cấp ủy cùng cấp thành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, phù hợp với nguyện vọng của cử tri, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế-xã hội; gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với yêu cầu phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và quốc phòng, an ninh.

Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân ngày càng được tăng cường theo hướng thiết thực, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, với tinh thần “gần dân, hiểu dân, vì nhân dân”, quan tâm tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ngành, giới, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm các địa phương, đồng thời tích cực làm việc với các đơn vị, cơ quan có liên quan để giải quyết từng vụ việc cụ thể đã góp phần nâng cao chất lượng trong quyết định của Hội đồng nhân dân sát thực tiễn, kịp thời, đúng pháp luật, hợp lòng dân.

Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân ngày càng được tăng cường theo hướng thiết thực, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả, với tinh thần “gần dân, hiểu dân, vì nhân dân”,

Công tác phối hợp hoạt động, giữ mối liên hệ công tác với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các đoàn thể nhân dân được tăng cường trên tất cả các mặt công tác.

Đơn cử như công tác phổ biến, triển khai, quán triệt và thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương; hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc của địa phương; chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức thành công các kỳ họp, trong công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và hoạt động giám sát, tái giám sát của địa phương, các địa phương đã nghiên cứu và ban hành các nghị quyết tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia...

Bên cạnh đó, nhiều phương thức hoạt động mới được Hội đồng nhân dân triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả và tính tương tác cao, được cử tri quan tâm theo dõi và đánh giá cao như đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác; phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí để phát thanh truyền hình trực tiếp các diễn đàn đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, để đạt được các kết quả quan trọng nêu trên là do Hội đồng nhân dân đã quán triệt nghiêm túc, kịp thời đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Tỉnh ủy, Thành ủy; bám sát chương trình công tác toàn khóa, hàng năm, hàng quý.

Đồng thời, tổ chức đánh giá thường xuyên về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra, chủ động, linh hoạt giải quyết những vấn đề đột xuất phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thống nhất cao và tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đoàn Hội đồng nhân dân…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, hoạt động của Hội đồng nhân dân thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: chưa khắc phục được việc chậm gửi một số tài liệu phục vụ kỳ họp; một số văn bản chưa bảo đảm chất lượng, còn phải điều chỉnh nội dung nhiều lần hoặc phải rút ra khỏi chương trình kỳ họp.

Sự phối hợp công tác ở một số cơ quan có lúc, có nơi còn chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác giám sát trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi chưa bảo đảm thời gian theo chương trình, kế hoạch đã đề ra hoặc các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp chưa bảo đảm về thời gian, quy trình, thủ tục quy định, thiếu thông tin, thiếu hồ sơ. Việc tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm , trả lời còn chung chung, lòng vòng, chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri; một số ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm;

VĂN TOẢN