Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trên nền tảng số

Nguyễn Ánh Hiền
Trong bối cảnh bùng nổ các phương thức giải trí nghe nhìn hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dường như có phần bị lép vế. Liệu có cách nào giúp những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc vẫn tiếp tục được lan tỏa và tìm được chỗ đứng trong đời sống hôm nay?
Các nghệ nhân xoan trình diễn tại đình Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Các nghệ nhân xoan trình diễn tại đình Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Trăn trở với câu hỏi đó, nhiều nghệ sĩ đã chủ động tìm hiểu những ứng dụng công nghệ số, tìm phương thức phù hợp để hiện thực hóa khát vọng đưa tinh hoa văn hóa dân tộc lên các nền tảng mạng xã hội.

Vào những ngày cuối tháng 3, công chúng yêu nghệ thuật hát xoan vô cùng hào hứng được thưởng thức chương trình “Giới thiệu di sản âm nhạc hát xoan” phát trên kênh YouTube “Dân ca & Nhạc cổ truyền”.

Trước làn sóng công nghệ số phát triển mạnh mẽ, lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, việc lan tỏa, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên nền tảng số càng trở thành một yêu cầu có tính cấp bách.

Đây là dự án của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và các cộng sự nhằm giới thiệu 16 bài xoan cổ, được thu mộc theo kiểu diễn xướng thời xưa. Nhóm thực hiện mong muốn đem đến các bài xoan được trình diễn theo đúng lề lối cũ để công chúng có thể thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu.

Dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát xoan” là một trong nhiều chương trình ý nghĩa được chính các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa tâm huyết thực hiện thời gian qua. Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng trang YouTube riêng để đăng tải các trích đoạn, các vở tuồng đặc sắc nhất do đội ngũ nghệ sĩ của nhà hát thực hiện.

Trong lĩnh vực cải lương, phải kể đến tấm gương của Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết với sự miệt mài tìm tòi, đổi mới để thích ứng với nhu cầu của công chúng trong bối cảnh mới.

Ở tuổi xấp xỉ 80, bà vẫn nỗ lực tìm hiểu, làm quen với các tiện ích của công nghệ và được coi là người tiên phong trong việc quảng bá nghệ thuật cải lương trên mạng xã hội.

Sau 3 năm kiên trì đưa cải lương đến gần với công chúng trong nước và nước ngoài, kênh YouTube của nghệ sĩ Bạch Tuyết đã sản xuất được trên 1.400 video, thu hút rất đông khán giả vào xem, tiêu biểu như video “Tân khúc Lý cô Ba” có tới trên 553.000 lượt xem.

Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhất là khi một số loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và đang dần vắng bóng trong các sinh hoạt cộng đồng.

Những nỗ lực của các nghệ sĩ đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ cùng chung tay “giữ lửa” cho nghệ thuật truyền thống.

Tiêu biểu như dự án “Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương” được các bạn trẻ thuộc thế hệ “gen Z” thực hiện. Với cách làm trẻ trung, gần gũi và sáng tạo, các video có nội dung bổ ích như hát xẩm trong thích ứng văn hóa, hát xẩm nhìn từ âm nhạc đương đại,... kênh YouTube và trang Facebook của nhóm đã nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng.

Nhóm cũng có nhiều buổi gặp mặt, sinh hoạt cuối tuần nhằm thực hành, giới thiệu về nghệ thuật chèo tới nhiều đối tượng, từng bước đưa một loại hình văn hóa dân gian trở nên gần gũi hơn trong đời sống hiện đại.

Từ thực tế trên cho thấy, nếu có cách làm phù hợp, hấp dẫn, nghệ thuật truyền thống chắc chắn sẽ tiếp tục tìm được chỗ đứng vững chắc trong đời sống hôm nay.

Trước làn sóng công nghệ số phát triển mạnh mẽ, lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, việc lan tỏa, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên nền tảng số càng trở thành một yêu cầu có tính cấp bách.

Với tính năng thân thiện, cho phép kết nối rộng rãi, không bị giới hạn về thời gian và không gian nên khi những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc được giới thiệu trên các mạng xã hội sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều người, góp phần giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, để việc lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng phát huy hiệu quả, bên cạnh sự nhiệt tình, tâm huyết của nhiều nghệ sĩ cũng đòi hỏi những người tham gia có thêm những cách làm sáng tạo, mới mẻ, có chiều sâu, hạn chế tình trạng chạy theo trào lưu nhất thời, nội dung hời hợt, nghèo nàn, gây phản tác dụng.