Rốt ráo triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng

Tran Huy
Sau mấy ngày hạ nhiệt, sáng 19/3, vàng SJC trong nước quay đầu tăng giá trở lại, tiến sát mức 82 triệu đồng/lượng. Để ổn định thị trường vàng, Văn phòng Chính phủ liên tục có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng.
Khách hàng giao dịch mua bán vàng tại một cửa hàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội. (Ảnh MINH ANH)
Khách hàng giao dịch mua bán vàng tại một cửa hàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội. (Ảnh MINH ANH)

Theo diễn biến trên thị trường, giá vàng SJC tại các doanh nghiệp trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng phiên sáng 19/3 trong khi tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng/USD. Tại thời điểm 9 giờ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và Vietnam Gold niêm yết giá mua và bán vàng SJC ở mức 79,9-81,9 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so cuối phiên hôm trước.

Giá vàng nhẫn cũng lấy lại mốc 69 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long ở mức 67,88-69,08 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều. Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 67,85-69,05 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 2.161 USD/ounce, tăng 9 USD so với cùng thời điểm phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới thấp hơn vàng SJC khoảng 17 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó trên thị trường ngoại tệ và tỷ giá, sáng 19/3, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm là mức 23.992 đồng/USD, giảm 2 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5%, Ngân hàng Vietcombank thông báo giá mua vào là 24.540 đồng/USD và bán ra là 24.890 đồng/USD, không có biến động.

Trước đó, báo cáo thị trường ngoại tệ và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tuần từ ngày 4/3 đến 8/3, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ. Ngày 4/3, tỷ giá mua, bán USD/đồng niêm yết cuối ngày trên website của Vietcombank ở mức 24.470/24.810 đồng/USD, không thay đổi so với tỷ giá cuối ngày làm việc cuối tuần trước đó (1/3). Cuối ngày 8/3, tỷ giá niêm yết ở mức 24.500/24.840 đồng/USD, tăng 30/30 đồng/USD so với tỷ giá ngày 4/3.

Hiện nay, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngoại hối hoạt động ổn định, thông suốt và trong tầm kiểm soát là một trong những yêu cầu trọng yếu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với nhiệm vụ điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Những “cơn sốt” liên tục của giá vàng trong thời gian vừa qua, một lần nữa nhắc chúng ta nhớ đến diễn biến bất ổn của thị trường vàng trong nước giai đoạn 2009- 2011, khi cũng bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Thời điểm đó, để “cắt sốt” và bình ổn thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, qua đó bảo đảm cung-cầu thị trường cân bằng, ổn định.

Sau hơn một thập kỷ, Nghị định 24 đã thực hiện rất tốt vai trò lịch sử trong nỗ lực chống “vàng hóa”, “đô-la hóa” và nâng dần vị thế của đồng Việt Nam. Tuy nhiên, như chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh thị trường vàng Việt Nam là Nghị định 24 ra đời từ năm 2012, trong khi diễn biến thị trường vàng hiện nay đã và đang đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Nghị định này để phù hợp hơn với thực tế.

“Không chỉ có vàng mà mọi hàng hóa, nếu mất cân đối về cung-cầu thì đương nhiên giá sẽ tăng cao. Điều này thấy rất rõ trong vàng miếng SJC. Chính bởi sự mất cân đối cung-cầu dẫn đến độ cách biệt lớn giữa giá vàng trong nước với giá thế giới, đồng thời làm giá vàng trong nước khó giảm sâu. Đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để có các chính sách hiệu chỉnh sao cho phù hợp trong tình hình mới”, ông Trương Văn Phước nhìn nhận.

Thực tế, do chủ trương chống “vàng hóa” nên từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, khiến nguồn cung vàng giảm. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước lấy SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia. “Trước tình trạng mất cân đối cung-cầu, giá có lúc chênh với thế giới tới 20 triệu đồng, cần nghĩ tới chuyện thay đổi, sửa quy định và Nhà nước không nhất thiết độc quyền về một thương hiệu vàng miếng”, ông Hoàng Văn Cường-Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách (Quốc hội) bày tỏ ý kiến.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý quốc tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng cho hay: Hiện nay trên thế giới, các ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì có Bộ Thương mại hoặc Bộ Công thương, Bộ Kinh tế quản lý.

“Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Các ngân hàng trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng”, ông Nguyễn Thế Hùng giải thích.

Liên quan đến quản lý thị trường vàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc rủi ro thanh toán mua vàng miếng bằng tiền mặt.

Đề xuất này nhằm phòng ngừa các rủi ro, nguy cơ phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, bảo đảm tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời cũng đề xuất xem xét có cơ chế quản lý phù hợp, tránh độc quyền, lợi ích nhóm khi cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhanh chóng tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024. Đến ngày 15/3, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện, chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng cũng như các chủ thể khác tham gia thị trường; bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2024.

HỒNG ANH