Tạo sinh kế cho nạn nhân da cam

Nguyễn Ánh Hiền
Giữa tiết trời giá lạnh mùa đông, trong phòng học may của Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Việt Nam (địa chỉ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội), thuộc Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam, cô giáo Nghiêm Thị Ngân đang kiên trì uốn nắn từng đường kim cho các nạn nhân da cam thế hệ thứ hai, thứ ba.

Cô giáo Nghiêm Thị Ngân chia sẻ: "Các học viên đến lớp học, cơ bản mang trên mình nhiều khuyết tật về trí tuệ, vận động và thính giác... Để hoàn thành một sản phẩm, giáo viên phải nhẫn nại, hướng dẫn từng người. Làm sao hoàn thành khóa học người học có thể may trọn vẹn một sản phẩm”. Nói rồi cô giáo Ngân phấn khởi khoe với chúng tôi, nhiều học viên từ phòng học may trở về quê hương đã xin được việc hoặc tự tạo việc làm để ổn định cuộc sống bản thân và hỗ trợ một phần cho gia đình. Đơn cử như chị Phạm Thị Phương, sinh năm 1986 (ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất), sau khi hoàn thành khóa học, hiện tại xin được việc làm tại một xưởng may ở địa phương, có thu nhập ổn định, bảo đảm một phần cuộc sống.

Ở lớp Tin học văn phòng, những tiếng gõ lách cách trên bàn phím gây cho chúng tôi sự tò mò. Trong lớp học ấy, cô giáo Vương Thị Quyên đang cùng 10 học viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau ở khu vực phía Bắc tập đánh chữ và kẻ biểu bảng. Học viên Nguyễn Mạnh Thắng, sinh năm 1984 (ở xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, đến với lớp học tôi sẽ cố gắng học thật tốt. Tôi dự định sau này sẽ vay vốn mở một quán photocopy, đánh máy vi tính ở nhà, qua đó hỗ trợ gia đình bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống”.

thamlopdaymay20161223pm-1703818623.jpg
Lớp học may tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Những năm qua, bên cạnh việc tổ chức dạy nghề vi tính, cắt may, thêu, dạy kỹ năng sống, học văn hóa cho nạn nhân trung bình 4 lớp/năm, Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam còn nhận nuôi dưỡng nạn nhân da cam, duy trì thường xuyên khoảng 15-20 người trở lên; nuôi dưỡng bán trú từ 70 đến 100 nạn nhân da cam/năm.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng chí Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn lành nghề, nhiệt tình và tâm huyết với nạn nhân da cam. Để mỗi cựu chiến binh, mỗi nạn nhân da cam đến với trung tâm như đến với ngôi nhà thứ hai của mình”.