Tranh chấp thửa đất đã bán 8 năm trước do giá trị chênh lên hơn chục tỷ đồng

Trần Thu

TCVĐ - Vụ tranh chấp đòi lại mảnh đất 2.400m2 giữa nguyên đơn - Công ty TNHH Thiên Lộc (Công ty Thiên Lộc) và bị đơn là vợ chồng ông Hậu, 47 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, dự kiến được TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

(Ảnh minh họa)

Trước đó, Công ty TNHH Thiên Lộc nộp đơn kiện để hủy hợp đồng mua bán mảnh đất giá một tỷ đồng cho vợ chồng ông Hậu từ năm 2014. Và đòi lại mảnh đất 2.400m2 đã giao dịch trong hợp đồng kể trên.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 26/4/2014, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 2.400m2 đất, tại khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ, quận Cái Răng (do công ty này làm chủ đầu tư) cho vợ chồng ông Hậu với giá một tỷ đồng. Hợp đồng được công chứng và việc thanh toán diễn ra cùng ngày. Phía công ty giao sổ đỏ thửa đất trên cho vợ chồng ông Hậu giữ.

Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận, Công ty Thiên Lộc sẽ được chuộc lại thửa đất trong thời hạn 6 tháng. Trong thời gian này, công ty phải trả cho ông Hậu lãi suất 5% mỗi tháng trên giá trị hợp đồng. Nếu quá thời hạn, công ty không chuộc lại đất thì phải chịu trách nhiệm xuất hóa đơn để gia đình ông Hậu làm thủ tục sang tên và sở hữu mảnh đất.

Tuy nhiên, hết thời hạn theo thỏa thuận, công ty Thiên Lộc đã không chuộc lại đất, nên vợ chồng ông Hậu yêu cầu phải cung cấp hóa đơn để họ làm thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Công ty Thiên Lộc cho rằng, doanh nghiệp đang bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp thông báo "mọi hóa đơn đều không có giá trị sử dụng" nên không thể cung cấp cho phía bên mua.

Hai bên sau đó thỏa thuận gia hạn thời gian chuộc lại thêm ba tháng. Phía công ty sẽ hỗ trợ cho ông Hậu mỗi tháng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hết thời hạn này Công ty Thiên Lộc vẫn không chuộc lại khu đất 2.400m2 đã giao dịch dưới hình thức mua bán nói trên.

Đòi lại 2.400m2 đã bán 8 năm trước

Sau nhiều năm, tranh chấp giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Đầu năm 2021, Công ty Thiên Lộc khởi kiện, yêu cầu TAND quận Cái Răng tuyên bố hợp đồng ký với vợ chồng ông Hậu là vô hiệu.

Theo nguyên đơn, việc chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất hơn 2.400 m2 là giả cách (các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác), thực chất chỉ là hợp đồng vay tài sản, nên đề nghị tòa buộc vợ chồng ông Hậu trả lại. Công ty đồng ý trả cho bị đơn khoản nợ gốc cùng lãi phát sinh (mức 20% mỗi năm) từ tháng 4/2014 đến tháng 1/2021.

Không đồng ý, vợ chồng ông Hậu có đơn phản tố, yêu cầu tòa án buộc Công ty Thiên Lộc tiếp tục thực hiện hợp đồng, cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng cho vợ chồng ông để làm thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo kết quả thẩm định giá của TAND quận Cái Răng vào tháng 10/2021, thửa đất tranh chấp có theo quy định của nhà nước là 9,6 tỷ đồng, còn giá thị trường là 24 tỷ.

Tháng 1 năm 2022, trong phiên xử sơ thẩm của TAND quận Cái Răng, đại diện Cục Thuế TP Cần Thơ (người có quyền nghĩa vụ liên quan) cho biết, việc Công ty Thiên Lộc không xuất hóa đơn là lỗi chủ quan của doanh nghiệp. Công ty này đang bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn nhưng vẫn được phép xuất hóa đơn riêng lẻ để thanh toán việc cần thiết và phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách Nhà nước.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND quận Cái Răng đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Thiên Lộc, chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn. Theo HĐXX, tại thời điểm xác lập giao dịch, các bên đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện ký kết hợp đồng; mục đích và nội dung phù hợp quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Các bên thừa nhận ngoài hợp đồng chuyển nhượng còn ký kết biên bản thỏa thuận liên quan đến việc chuộc lại tài sản, nên đây là "giao dịch dân sự có điều kiện".

Hợp đồng các bên ký kết là hợp pháp cả về nội dung và hình thức nên không bị vô hiệu. Nguyên đơn cũng không cung cấp được chứng cứ cho thấy giao dịch là giả tạo, nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Tuy nhiên, VKSND cùng cấp sau đó đã kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị TAND TP Cần Thơ phúc thẩm theo hướng sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, tuyên hợp đồng này vô hiệu.

Trao đổi với PV, ông Hậu bức xúc chỉ ra những vấn đề cho thấy Kháng nghị của VKSND quận Cái Răng là hoàn toàn không có cơ sở, cụ thể:

- Công ty Thiên Lộc là công ty kinh doanh bất động sản, đồng thời ông Võ Thành Vạn là người rất am hiểu pháp luật về bất động sản, do đó khi xác lập giao dịch hợp đồng liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chắc hẳn không có sự nhầm lẫn, giả cách, lừa dối hoặc giả tạo; ngoài ra, tại Điều 6 và Điều 7 của hợp đồng chuyển nhượng được công chứng cũng thể hiện ý chí tự nguyện giao kết hợp đồng giữa các bên. Do đó, kháng nghị của Viện kiểm sát lập luận cho rằng hợp đồng chuyển nhượng là giả cách cho thỏa thuận vay số tiền 1 tỷ là không có căn cứ.

- Về giá chuyển nhượng, kháng nghị cho rằng giá các bên thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng là 1 tỷ đồng là không đúng với giá giao dịch tại thời điểm chuyển nhượng, từ đó lập luận cho rằng giá này là không đúng với bản chất giao dịch. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giá chuyển nhượng là do các bên tự thỏa thuận (theo Điều 690 BLDS năm 2005). Cũng theo ông Hậu, tại thời điểm ông mua thửa đất nêu trên thì tại vị trí thửa đất công ty Thiên Lộc chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường,  ngoài ra thửa đất chuyển nhượng có mục đích sử dụng đất không phải là đất ở đô thị hoặc đất thổ cư nên giá chuyển nhượng thửa đất với giá 1 tỷ là phù hợp.

- Thỏa thuận chuyển nhượng đất và thỏa thuận chuộc lại đất là có thật, tuy nhiên phía công ty Thiên Lộc không chuộc lại đất khi thời hạn 06 tháng đã hết, do đó theo nội dung biên bản thỏa thuận thì công ty Thiên Lộc phải xuất hóa đơn VAT và xem như hợp đồng chuyển nhượng đã được thanh lý và phát sinh hiệu lực.

- Kháng nghị chỉ căn cứ vào lời khai một phía (nguyên đơn) để cho rằng hợp đồng chuyển nhượng là giả cách, hoàn toàn không có chứng cứ vật chất (thỏa thuận vay mượn giữa các bên về số tiền 1 tỷ) để chứng minh, chỉ có thỏa thuận miệng giữa các bên, vấn đề này là không thuyết phục.

Nhóm PV.