Cải tổ hệ thống đào tạo bóng đá

Tran Huy
Việc kết thúc hợp đồng với huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam Philippe Troussier chưa phải là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia, đặc biệt trong thời điểm các cầu thủ kỳ cựu đã xuống phong độ mà lứa cầu thủ kế cận chưa đủ độ chín. Để có các đội tuyển quốc gia mạnh, bóng đá Việt Nam cần cải tổ hệ thống đào tạo trẻ và cần sự thay đổi từ chính các câu lạc bộ (CLB).
Các cầu thủ trẻ Việt Nam cần được đầu tư tốt hơn, nhất là có cơ hội cọ xát ở các giải chuyên nghiệp. (Ảnh VFF)
Các cầu thủ trẻ Việt Nam cần được đầu tư tốt hơn, nhất là có cơ hội cọ xát ở các giải chuyên nghiệp. (Ảnh VFF)
  • Nền bóng đá quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào hai yếu tố cốt lõi, là chất lượng của các đội tuyển quốc gia và chất lượng của các đội bóng cấp CLB. Trong những năm gần đây, hệ thống đào tạo bóng đá trẻ quốc gia đã được cải thiện khá rõ nét khi có đủ các giải đấu từ U11 đến U21.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia bóng đá, việc mỗi năm chỉ có một vài giải đấu ở mỗi độ tuổi như vậy và dù đã tổ chức hai lượt trận ở vòng loại thì vẫn quá ít cơ hội cọ xát cho các cầu thủ, nhất là các cầu thủ được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp.

Theo điều kiện địa lý trải dài từ nam ra bắc, việc tạo điều kiện thi đấu cọ xát cấp độ quốc gia giữa các đội bóng hiện đang tập trung nhiều tại khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là rất khó khăn.

Giải pháp được đưa ra là nên tổ chức nhiều giải đấu ở cấp khu vực như miền bắc, miền nam, miền trung, song một vấn đề đặt ra là kinh phí tổ chức. Việc thiếu kinh phí còn ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác như vấn đề dinh dưỡng cho các cầu thủ trẻ, thậm chí là thiếu huấn luyện viên giỏi cho các tuyến đào tạo trẻ.

Để làm tốt việc đào tạo trẻ thì yếu tố quyết định vẫn là các CLB. Các CLB bóng đá hiện đã hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp và họ chính là "ông chủ" của các cầu thủ trẻ được đào tạo để làm cầu thủ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã phát triển hơn 10 năm, thậm chí từng có thời điểm được đánh giá là tốt nhất khu vực Đông Nam Á, song không ít CLB vẫn đang tồn tại bấp bênh, có thể giải thể hoặc "sống" lay lắt nếu bị ông bầu bỏ lơ.

Hầu hết CLB bóng đá của Việt Nam đều chưa tự túc được nguồn kinh phí mà chủ yếu sống dựa vào tài trợ của các ông "bầu" cho nên cốt lõi của bóng đá Việt Nam vẫn là các CLB.

Ở các nước châu Âu, các CLB mạnh đều có sự tài trợ của các tỷ phú và các nhãn hàng nổi tiếng, nhưng thực tế họ đều tự túc được kinh phí từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu vẫn từ các cổ động viên trung thành và từ nguồn tiền bản quyền truyền hình.

Ở Việt Nam, tiền bán vé xem các trận đấu là quá thấp, thậm chí ở nhiều CLB chỉ đủ để bảo dưỡng sân vận động, tiền bản quyền truyền hình cũng còn thấp.

Việc giữ chân khán giả đối với các CLB là rất khó khăn, đội bóng nào đang mạnh hay thường thắng trận thì còn tương đối lượng khán giả, nhưng nếu họ có vài trận thua là các khán đài thưa thớt hẳn.

Còn nhớ hồi mới có V.League, sân Vinh luôn chật kín khán giả tới sân từ giữa trưa nắng bất chấp thời tiết nắng nóng, có khi tới 400C. Khi đó, Sông Lam Nghệ An gần như toàn thắng trên sân nhà và luôn là đội trong tốp dẫn đầu, đồng thời cũng là "lò" đào tạo rất nhiều cầu thủ giỏi.

Hầu như các xã ở Nghệ An đều có sân bóng và nhờ sức ảnh hưởng của các cầu thủ nổi tiếng mà các nhà tuyển trạch ở Nghệ An nói riêng và các tỉnh khác phát hiện và đào tạo được rất nhiều cầu thủ tốt.

Thế nhưng hiện tại, những trận thua "bất thường" trên sân khách trước cả những đội yếu hơn hẳn và nhiều yếu tố khác khiến sân Vinh giờ không còn là "chảo lửa" nữa.

Nhiều đội bóng như Thanh Hóa, Hà Nội FC, Đà Nẵng, Quảng Nam... cũng có lúc đông đảo khán giả, lúc lại vắng tanh. Điều này cho thấy không ít CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chưa có được sự gắn kết chặt chẽ, gắn bó dài lâu với các cổ động viên.

Bóng đá vẫn là môn thể thao vua và dễ tuyển chọn cầu thủ trẻ nhất. Mỗi lần tổ chức các đợt xét tuyển cầu thủ trẻ, luôn có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn ứng cử viên nhí từ khắp các địa phương trong toàn quốc tới dự tuyển, chứ không èo uột đến mức phải dùng rất nhiều biện pháp, thậm chí cạnh tranh quyết liệt mới tìm kiếm được vận động viên trẻ như ở nhiều môn thể thao khác.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều nguồn tài trợ thì việc đầu tư kinh phí để nâng cao chất lượng các lứa cầu thủ trẻ vẫn dựa chủ yếu vào Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Lò đào tạo VPF được xem là bài bản và nhiều thuận lợi nhất đã và đang đào tạo nhiều lứa cầu thủ trẻ, trong đó có các cầu thủ trưởng thành đang đầu quân cho rất nhiều CLB ở V.League 1 và 2.

Mặc dù vậy, nhìn vào những cầu thủ từng trưởng thành từ VPF vẫn thấy khá ít những tài năng thật sự, nhất là tài năng trẻ đã và đang có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23.

Thực tế này cho thấy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ hệ thống đào tạo trẻ để có được lứa cầu thủ trẻ chất lượng hơn.

MINH GIANG